TỪ XƯỞNG X10 ĐẾN NHÀ MÁY Z117: HÀNH TRÌNH CỦA NỖ LỰC VÀ NIỀM TỰ HÀO

CNQP&KT – Năm 1956 đánh dấu một sự kiện đặc biệt của ngành Quân giới với sự ra đời của Xưởng X10, tiền thân của Nhà máy Z117 ngày nay. Điều đáng nói, Xưởng X10 là nhà máy Quân giới đầu tiên của Việt Nam, do chính cán bộ, công nhân viên Quân giới tự thiết kế, xây dựng tại thành phố Hải Phòng.

NHỮNG THÁNG NĂM “VƯỢT QUA THÁCH THỨC”!

Để hiểu rõ hơn về quá trình xây dựng Xưởng X10, phóng viên Tạp chí CNQP và Kinh tế đã tìm gặp bác Nguyễn Thanh Trà, người có nhiều năm gắn bó với Xưởng X10, hiện sống tại khu tập thể Nhà máy Z117 (Đông Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội). Qua câu chuyện của bác Trà, chúng tôi được biết, vào đầu năm 1956, Tổng cục Hậu cần đã đề nghị và được Bộ Quốc phòng cho phép Cục Quân giới tiếp nhận xưởng Pháo thủ của Pháp trước kia ở thành phố cảng để xây dựng Xưởng X10. Tiếp đến, Cục Quân giới quyết định chuyển Xưởng Z64 đóng quân ở Lạc Thủy, Hòa Bình xuống Hải Phòng làm nòng cốt xây dựng Xưởng X10. Đúng vào ngày sinh nhật Bác Hồ – 19/5/1956, chuyến xe đầu tiên chở cán bộ, công nhân viên và trang, thiết bị của Xưởng Z64 tới Hải Phòng. Hơn 100 cán bộ, công nhân viên có mặt ngày hôm đó đã trở thành những người “đặt nền móng” xây dựng một trong những cơ sở sản xuất quốc phòng quy mô lớn đầu tiên tại Việt Nam.

Xưởng X10 được giao nhiệm vụ sản xuất các loại quân cụ, mô hình học cụ phục vụ bộ đội huấn luyện. Trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn đủ bề nhưng tập thể cán bộ, công nhân viên X10 đã đoàn kết, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, từng bước tháo gỡ khó khăn, nhanh chóng tổ chức sản xuất các sản phẩm có độ chính xác cao, công nghệ phức tạp, như: động cơ điện, máy hàn chấm, máy hàn điện bằng tôn thường; chế tạo mới các bộ phận, chi tiết phục vụ công tác sửa chữa lớn máy công cụ cho Quân đội và nhu cầu dân sinh. Năm 1959, số lượng neo thuyền, cuốc bàn, cuốc chim… sản xuất cho bộ đội công binh huấn luyện tăng cao. Trước đó, Xưởng vẫn dùng thép đường ray tàu hỏa để sản xuất các sản phẩm này, nhưng sau một thời gian sử dụng, thép đường ray đã hết. Xưởng X10 đã có sáng kiến nấu thép bằng lò gió thổi (lò sục). Qua các lần thử nghiệm, chất lượng thép nấu bằng lò gió đều đạt tính năng cơ lý theo yêu cầu, giúp X10 chủ động nguồn vật tư thép để sản xuất, đưa năng suất lao động tăng lên gấp 10 lần. Tin Xưởng X10 nấu được thép bằng lò gió thổi truyền tới các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố Hải Phòng, Hội phổ biến khoa học – kỹ thuật thành phố đã tổ chức đoàn của các nhà máy, xí nghiệp đến X10 học tập và một hội nghị báo cáo kinh nghiệm đã diễn ra ngay tại Xưởng. Sản phẩm thép từ lò gió thổi của Xưởng X10 sau đó được đưa về trưng bày trong một cuộc triển lãm do Ủy ban Khoa học – Kỹ thuật Nhà nước tổ chức tại Hà Nội.

TỪ XƯỞNG X10 ĐẾN NHÀ MÁY Z117: HÀNH TRÌNH CỦA NỖ LỰC VÀ NIỀM TỰ HÀO
Máy tiện 1616 do Xưởng X10 nghiên cứu chế tạo được cổ động thành tích trên đường phố Hải phòng (năm 1959).           Ảnh: TL

Việc nấu thép bằng lò gió thổi thành công tạo động lực rất lớn để cán bộ, công nhân viên Xưởng X10 quyết tâm chế thử thành công máy tiện 1616 theo mẫu của Liên Xô. Được sự giúp đỡ của Nhà máy Trung quy mô Hà Nội (sau là Nhà máy Cơ khí Hà Nội), sau hơn 2 tháng, Xưởng X10 đã gia công hoàn chỉnh 2 băng máy tiện với gần 2.000 chi tiết khác nhau, trong đó có những chi tiết đạt độ chính xác đến 5/1000 mm. Các chi tiết, bộ phận lại được đôi bàn tay khéo léo của những người lính thợ X10 tổng lắp hoàn chỉnh. Chiếc máy tiện 1616 đầu tiên của người Việt được chế tạo thành công đúng vào dịp kỷ niệm 15 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/1959). Tiếp đến, Xưởng còn nghiên cứu đưa phương pháp cắt gọt nhanh trên các máy công cụ để sản xuất chi tiết trục pháo, kim hỏa, giảm thời gian gia công từ 30 giờ xuống còn 10 giờ; cải tiến lò đốt, lỗ ngót, lỗ lọc xỉ và pha chế đất cát làm khuôn đúc gang, giúp tăng số lượng gang vào lò từ 500kg lên 1.000kg, giảm lượng than tiêu thụ so với trước.

Nhà máy Z117 (tiền thân là Xưởng X10) có vinh dự lấy Ngày truyền thống đúng vào ngày sinh nhật Bác (19/5) và được Đảng, Nhà nước 2 lần phong tặng danh hiệu Anh hùng: Anh hùng Lao động (năm 2005)và Anh hùng LLVT nhân dân (năm 2014).

“Tiếng lành đồn xa”, nghe tin Xưởng X10 nghiên cứu chế tạo thành công máy tiện 1616, cải tiến công nghệ trong rèn khuôn, nhiệt luyện; có phương pháp cắt gọt nhanh trên các máy công cụ… đẩy năng suất lao động tăng cao, tiết kiệm vật tư, nguyên liệu và năng lượng, nên thời gian này, Xưởng được đón rất nhiều đoàn cán bộ của các nhà máy, xí nghiệp khu vực phía Bắc đến học tập kinh nghiệm.

Tháng 9/1960, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Cục Quân giới trình Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần phương án sắp xếp lại các xí nghiệp. Theo đó, Xưởng X10 được nâng lên thành Xí nghiệp X10 và bổ sung thêm nhiệm vụ sửa chữa các loại pháo mặt đất, pháo cao xạ cỡ lớn, các loại máy chỉ huy và ra-đa, máy công cụ; sản xuất các bộ phận thay thế cho pháo, vỏ lựu đạn, bộ phận cơ khí của mìn; sản xuất quân cụ, huân, huy chương, phù hiệu, quân hàm, quân hiệu; chế thử vỏ đạn cối và một số loại vỏ mìn. Năm 1964, Xí nghiệp nhận thêm nhiệm vụ sản xuất và sửa chữa lưu động ngay tại trận địa các sản phẩm vỏ chạm nổ AT, thân ngòi mìn TM41, đinh tán mìn MĐH… trang bị cho bộ đội đánh địch trên các mặt trận. Đến năm 1965, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần có quyết định điều chỉnh biên chế tổ chức và nhiệm vụ của Xí nghiệp X10; đồng thời, thống nhất tên gọi các xí nghiệp Quân giới là nhà máy và đặt phiên hiệu cho các nhà máy. Xí nghiệp X10 được đổi tên thành Nhà máy X10 (mang phiên hiệu MZ-253).

Bước vào năm 1966, đế quốc Mỹ gia tăng đánh phá miền Bắc, để đảm bảo an toàn, Nhà máy X10 đã phải 4 lần di chuyển địa điểm. Tuy nhiên, Nhà máy vẫn hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất, sửa chữa vũ khí, khí tài, thiết bị kỹ thuật đảm bảo tiến độ, chất lượng, trang bị kịp thời cho các đơn vị trên chiến trường. Tháng 1/1967, Thủ trưởng Cục Quân giới đã phê duyệt nhiệm vụ, biên chế tổ chức và đổi tên Nhà máy X10 thành Nhà máy V117, thực hiện nhiệm vụ sản xuất quốc phòng, chủ yếu là thủy lôi đáy áp suất (APS), mìn lõm cỡ lớn, vỏ đạn cối 160mm, cải tiến xích xe lội nước PT-76, sửa chữa pháo cao xạ… Đến tháng 7/1975, các nhà máy sản xuất, sửa chữa vũ khí thuộc Cục Quân giới được điều chuyển về Tổng cục Kỹ thuật quản lý. Ký hiệu V đổi thành Z. Từ đây, Nhà máy V117 được đổi thành Nhà máy Z117 như hiện nay, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ sản xuất quốc phòng phục vụ bộ đội huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu; đồng thời tham gia sản xuất hàng kinh tế phục vụ dân sinh.

TỪ XƯỞNG X10 ĐẾN NHÀ MÁY Z117: HÀNH TRÌNH CỦA NỖ LỰC VÀ NIỀM TỰ HÀO
Sản xuất quốc phòng tại Nhà máy Z117.       Ảnh: BẢO LÂM

PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG

Thượng tá Hoàng Anh Quang, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công ty TNHH Một thành viên Cơ khí 17 (phiên hiệu quân sự là Nhà máy Z117), chia sẻ: Cán bộ, công nhân viên Nhà máy Z117 ngày nay rất tự hào khi được kế thừa truyền thống vẻ vang của Xưởng X10 năm xưa và luôn phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của thế hệ cha anh đi trước. Trong những năm qua, Nhà máy Z117 đã tự lực, tự cường, khắc phục khó khăn, chủ động sáng tạo vươn lên làm chủ khoa học kỹ thuật – công nghệ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sản xuất quốc phòng, góp phần nâng cao sức mạnh, khả năng chiến đấu của Quân đội; đồng thời, đẩy mạnh sản xuất kinh tế phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu; đảm bảo việc làm, thu nhập ổn định cho cán bộ, công nhân viên và người lao động. Nhà máy vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (năm 2005), Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (năm 2014) và nhiều phần thưởng cao quý khác.

“Cán bộ, công nhân viên Nhà máy Z117 ngày nay rất tự hào khi được kế thừa truyền thống vẻ vang của Xưởng X10 năm xưa và luôn phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của thế hệ cha anh đi trước”.

(Thượng tá Hoàng Anh Quang, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công ty TNHH Một thành viên Cơ khí 17)

Những năm tiếp theo, để bắt kịp xu thế chuyển đổi hoạt động sang nền kinh tế số, ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào sản xuất, Nhà máy Z117 tiếp tục đầu tư đổi mới công nghệ, tăng cường kiểm soát chất lượng tại các khâu trong quy trình sản xuất, đảm bảo ổn định chất lượng các sản phẩm quốc phòng; nghiên cứu làm chủ công nghệ sản xuất loạt phần cơ khí cho các loại vũ khí lục quân và vũ khí quân, binh chủng. Đồng thời, Nhà máy cũng nghiên cứu phát triển thêm một số sản phẩm vũ khí tiên tiến, có độ chính xác cao. Bên cạnh đó, Nhà máy tích cực tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường xuất khẩu các sản phẩm kinh tế, gắn với việc đổi mới mô hình quản trị doanh nghiệp theo hướng tiên tiến, hiện đại nhằm tăng hiệu quả quản lý, giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho cán bộ, công nhân viên, người lao động; xây dựng Nhà máy phát triển bền vững.

Từ Xưởng X10 năm xưa đến Nhà máy Z117 hôm nay là một hành trình nhiều gian khó, với những nỗ lực không mệt mỏi của các thế hệ. Trên chặng đường phát triển, cán bộ, công nhân viên và người lao động Nhà máy Z117 đang và sẽ phát huy tốt truyền thống, viết tiếp những trang sử mới, xứng đáng đơn vị 2 lần Anh hùng.

TUẤN MINH